Nguồn lực sáng tạo mới cho ngành Marketing và Truyền thông
- share
- copy link
Xuất hiện tại triển lãm và hội nghị MMA Innovate Việt Nam 2023, Chị Nguyễn Minh Hương - CEO Golden Communication Group đã có những chia sẻ thú vị về phương pháp kết nối, nuôi dưỡng năng lực sáng tạo để tăng tính đột phá, nhạy bén đón đầu xu hướng ngành Marketing và Truyền thông.
Sự phát triển của AI, dữ liệu lớn, machine learning đều đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của con người, giúp con người làm nhanh hơn, chính xác và thuận tiện hơn. Từ đó cũng có những lầm tưởng rằng AI có khả năng đưa ra ý tưởng, giải pháp mới lạ cho khách hàng, thay thế khả năng sáng tạo, nhạy bén của con người?
AI chỉ hoạt động dựa trên dữ liệu lịch sử và dữ liệu thời gian thực để tạo ra những nội dung, những đề xuất, dự báo gần nhất. Chúng thiếu trí tưởng tượng, cảm xúc, khát vọng và sự thấu cảm. Đây là những yếu tố phải xuất phát từ trải nghiệm của người làm Marketing và Truyền Thông mới có thể tạo ra những chiến dịch tiếp cận, kết nối được với khách hàng.
Chia sẻ trong phiên diễn thuyết, Anh Lê Xuân Trường – Marketing Director – Samsung – Mobile Experience cho hay mỗi ngày anh tiếp nhận một lượng thông tin rất nhiều để phục vụ công tác Marketing và Truyền thông cho nhãn hàng. Đội ngũ của anh sẽ phải luôn sáng tạo để đưa ra được những trải nghiệm mới nhất cho người tiêu dùng, kể những câu chuyện cảm xúc xuất phát từ trong chính bản thân mỗi người nhằm kết nối được với khách hàng mục tiêu chứ không đơn thuần đến từ xử lý dữ liệu. Bản thân anh cũng phải luôn đặt khách hàng mục tiêu vào vị trí trung tâm, thường xuyên tìm hiểu họ một cách thấu đáo nhất để có thể từ đó hiểu, cảm nhận và đánh giá mỗi một ý tưởng truyền thông một cách sâu sắc nhất, trước khi giới thiệu bất kỳ một sản phẩm mới hay dịch vụ mới ra thị trường.
Anh Lê Xuân Trường có góc nhìn đồng cảm với chị Minh Hương về cảm xúc con người là thứ AI không thể thay thế
Là thế hệ những người Việt Nam làm nghề truyền thông & marketing đầu tiên, áp lực lớn đối với những tập đoàn như Golden Communication Group là phải luôn có những giải pháp đột phá, mới mẻ, sáng tạo cho khách hàng. Để thích ứng với thử thách này, từ 2 năm nay Golden đã ứng dụng và thực hành phương pháp "Presencing - Connect to source" (Cảm nhận, hiện diện và kết nối với nguồn) nhằm giúp nhân viên phát triển về mặt tư duy và cảm xúc bên cạnh sự hỗ trợ của AI trong công việc.
"Connect to source" có nguồn gốc từ " Thuyết U- U theory" đại học công nghệ hàng đầu thế giới MIT. Hướng đến việc đào tạo ra những nhân tài về công nghệ, MIT đã thành lập viện Presencing Institute để phát triển lý thuyết U và thực hành chuyển đổi hệ thống dựa trên nhận thức. Trong đó, cụm từ "Presencing - Connect to source" có thể hiểu là tiến trình kết nối sâu với năng lượng bên trong kiến tạo xu hướng, nắm bắt tương lai khi chúng vừa hiển lộ.
"Source" trong "Connect to source" bao gồm nhiều ý nghĩa. Source là sự tập hợp của trí tuệ, những suy nghĩ, ý niệm, giá trị sâu sắc bên trong con người. Source cũng có thể hiểu là nguồn cảm hứng, những khát khao, là trực giác của sự thông thái và giá trị tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi cộng đồng. Yêu cầu của Presencing và "Connect to source" là chúng ta phải thực sự lắng nghe.
Khi thực hành tiến trình này, người làm sáng tạo sẽ cảm nhận rất rõ về sự thay đổi bên trong chính mình. Chúng ta nhìn thấy vấn đề rõ hơn, nhìn thấy dữ liệu đang chỉ ra điều gì và có một cái nhìn sâu sắc, chân thành đối với khách hàng, đối tượng mục tiêu, họ thực sự nghĩ gì và cần sản phẩm của mình đáp ứng những nhu cầu, khát khao gì. Từ đó chúng ta biến những thách thức trong suy nghĩ thành những giải pháp có ý nghĩa.
Tại sự kiện, Chị Nguyễn Minh Hương cũng cho biết đây là phương thức mới đã giúp công ty mình thay đổi một cách tích cực, mong muốn có thể truyền cảm hứng đến các marketer hoặc doanh nghiệp muốn tăng cường năng lực sáng tạo trong mình để cùng thực hành và phát triển.
Ứng dụng phương thức này, đầu tiên sẽ giúp chúng ta thay đổi tư duy từ việc kiểm soát, lên kế hoạch tất cả mọi thứ cho tương lai sang việc linh hoạt để có thể thích ứng đồng hành cùng với tương lai trong thời đại VUCA bất định.
Thứ hai, "Connect to source" là tiến trình đem lại sự kết nối, giúp đội ngũ có thể đồng sáng tạo trong một không gian, kết hợp lại với nhau để cùng thực hiện dự án một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian nhất.
Cuối cùng, thực hành "Connect to source" có thể giúp tập thể tăng sự tin cậy, đồng cảm chia sẻ và trò chuyện với nhau, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.
25 năm là một cột mốc để nhìn lại những nỗ lực, tinh thần làm tử tế, nghĩ can trường của một tập đoàn truyền thông Việt Nam. Cùng với việc tận dụng AI và thực hành phương pháp "Connect to source", ngành truyền thông Việt Nam đã có điểm sáng về xây dựng môi trường thúc đẩy sự sáng tạo đột phá, giải pháp đa dạng nhằm mang lại giá trị cao cho các thương hiệu và khách hàng.
Theo CafeF
Nguồn: CafeF